MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 05/2025
05/05/2025 09:27
   
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 05/2025
Trong tháng 05/2025 có 01 Pháp lệnh, 04 Nghị định, 05 Quyết định, 21 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

1. Pháp lệnh 06/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo đó, khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là các công trình, khu vực có giá trị chính trị, lịch sử - văn hóa, quốc phòng, an ninh đặc biệt của quốc gia bao gồm:

- Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình

- Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ)

- Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Khu Di tích K9)

- Công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:

+ Lễ viếng cấp Nhà nước của Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam; Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

+ Lễ viếng của khách cấp cao nước ngoài theo quy định của pháp luật về nghi lễ đối ngoại

+ Lễ viếng thường xuyên của Nhân dân và khách quốc tế

- Hằng tuần, lễ viếng thường xuyên được tổ chức vào buổi sáng các ngày: Thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Ngày thứ Hai và thứ Sáu nghỉ viếng. Các ngày sau đây nếu trùng vào thứ Hai hoặc thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng thường xuyên:

+ Mồng Một Tết Âm lịch (ngày 01 tháng Giêng âm lịch);

+ Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

+ Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19 tháng 5 dương lịch);

+ Ngày Quốc khánh (ngày 02 tháng 9 dương lịch).

- Hằng năm, không tổ chức lễ viếng một đợt từ 02 đến 03 tháng để làm công tác y tế giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bảo dưỡng định kỳ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; thời gian cụ thể Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường hợp ngừng tổ chức lễ viếng khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Lễ viếng cấp Nhà nước được tổ chức vào các dịp sau đây:

+ Tết Âm lịch

+ Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03 tháng 02 dương lịch)

+ Kỷ niệm Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch)

+ Kỷ niệm năm tròn Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 07 tháng 5 dương lịch)

+ Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19 tháng 5 dương lịch)

+ Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (ngày 27 tháng 7 dương lịch)

+ Kỷ niệm Ngày Quốc khánh (ngày 02 tháng 9 dương lịch)

+ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam

+ Kỳ họp Quốc hội

Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 19/05/2025

        2. Nghị định 66/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách

Theo đó, mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú, học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học như sau:

(1) Chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú

Hỗ trợ tiền ăn trưa: Mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

(2) Chính sách đối với học sinh bán trú và học viên bán trú

- Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 936.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

- Hỗ trợ tiền nhà ở: Mỗi học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì mỗi tháng được hỗ trợ 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

- Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

- Học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số có học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 thì được hưởng thêm 01 tháng các chính sách nêu trên.

(3) Chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học

- Học bổng chính sách: Quy định tại Điều 9 Nghị định 84/2020/NĐ-CP ;

- Khen thưởng: Trong năm học, học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Giỏi" được thưởng 600.000 đồng/học sinh;

- Trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm

Học sinh dân tộc nội trú ở mỗi cấp học và học sinh dự bị đại học được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;

Mỗi năm học, học sinh được cấp 02 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm: Vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;

- Tiền tàu xe: Học sinh dân tộc nội trú được cấp tiền tàu xe 02 lần vào dịp tết nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng (trường hợp địa bàn không có phương tiện giao thông công cộng thì được tính theo quãng đường và giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn tương đồng khác của tỉnh). Học sinh dự bị đại học và học sinh dân tộc nội trú cuối cấp chỉ được cấp tiền tàu xe một lần vào dịp tết nguyên đán (cả lượt đi và lượt về);

- Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2025

3.  Nghị định 68/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

          Theo đó, nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như sau:

- Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó;

- Nếu có 01 tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt;

- Nếu có 01 tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt;

- Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ;

- Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.

Nguyên tắc xác định thời hạn cụ thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

- Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ được quy định đối với hành vi đó;

- Nếu có 01 tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn bị tước hoặc đình chỉ được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ; trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung thời gian tước, đình chỉ;

- Nếu có 01 tình tiết tăng nặng thì thời hạn bị tước hoặc đình chỉ được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ; trong trường hợp có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ;

- Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ;

- Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định thời hạn cụ thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.

 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/5/2025

4. Thông tư 001/2025/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành Nội quy và Quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức

Theo đó nội quy đối với thí sinh khi tham gia tuyển dụng công chức viên chức như sau:

- Phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Thí sinh dự thi đến muộn sau thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài thi, phần thi, môn thi (sau đây viết tắt là bài thi) thì được dự thi trong các trường hợp sau:

+ Không quá 05 phút đối với bài thi có thời gian thi tối đa 30 phút hoặc không quá 10 phút đối với bài thi có thời gian thi tối đa từ 60 phút trở lên;

+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật làm cho thí sinh không thể có mặt đúng giờ hoặc trong thời gian quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1. Trưởng ban coi thi, Trưởng ban phỏng vấn, Trưởng ban kiểm tra sát hạch báo cáo Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định việc thí sinh được dự thi đối với các trường hợp cụ thể.

- Trang phục gọn gàng, văn minh, lịch sự.

- Xuất trình Thẻ căn cước công dân hoặc Thẻ căn cước hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có ảnh và thông tin cá nhân.

- Ngồi đúng vị trí theo số báo danh hoặc theo vị trí do Hội đồng thi quy định.

- Chỉ được mang vào phòng thi: thước kẻ, bút viết để làm bài thi; nước uống đựng trong bình chứa trong suốt không gắn tem mác hay có bất kỳ ký hiệu, ký tự nào; các loại giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của từng bài thi; một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo.

Không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác, trừ trường hợp có quy định khác.

- Tuân thủ hướng dẫn của giám thị phòng thi, thành viên Ban phỏng vấn, thành viên Ban kiểm tra sát hạch và Hội đồng thi; nếu có ý kiến hoặc thắc mắc phải hỏi công khai với giám thị phòng thi, thành viên Ban phỏng vấn, thành viên Ban kiểm tra sát hạch; giữ trật tự và không được hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích, các loại thức ăn, đồ uống có cồn trong phòng thi, khu vực thi...

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2025

5. Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

-  Không còn xét tuyển sớm; phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 để xét tuyển

+ Bãi bỏ Điều 18 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm.

+ Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh với trọng số tính điểm xét không dưới 25%.

- Thay đổi phương thức tuyển sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2025

+ Cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh. 

+ Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển, cách thức tính điểm xét và xác định điều kiện trúng tuyển, trong đó:

 Các tiêu chí chủ yếu dùng để đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; 

Tổng điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích (gọi chung là điểm cộng) đối với thí sinh có thành tích đặc biệt, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (tối đa 3 điểm đối với thang điểm 30); 

Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét, nhưng không thí sinh nào có điểm xét (tính cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này. 

Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp  THPT và các kết quả đánh giá khác): 

+ Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%; từ năm 2026 số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét 

+ Đối với các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng để miễn thi tốt nghiệp THPT theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành, cơ sở đào tạo được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%; 

+ Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh với trọng số tính điểm xét không dưới 25%.... 

- Tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét

Tổng điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích đối với thí sinh có thành tích đặc biệt, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (tối đa 3 điểm đối với thang điểm 30).

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/5/2025.

 6. Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ

Tuyển sinh liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ như sau:

(1) Chỉ tiêu tuyển sinh liên kết đào tạo với nước ngoài thuộc tổng chỉ tiêu đào tạo hằng năm của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và được xác định theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(2) Minh chứng đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của người học trong tuyển sinh đầu vào là một trong những văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ sau:

- Chứng chỉ ngoại ngữ được cấp bởi đơn vị được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ và được công nhận cấp độ tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được tổ chức thi hợp pháp tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận cấp độ tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam;

- Văn bằng tốt nghiệp từ trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài do cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cấp, có xác định năng lực ngoại ngữ của người học theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

- Văn bằng tốt nghiệp từ trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp cho người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài.

(3) Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phối hợp với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài quy định chi tiết về kế hoạch tuyển sinh, thông báo tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh và công nhận trúng tuyển; việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ để người học đạt trình độ ngoại ngữ đầu vào trước khi giảng dạy chính khóa; việc lưu trữ, trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm đối với tập thể, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động tổ chức tuyển sinh và công nhận công nhận trúng tuyển đối với từng chương trình liên kết đào tạo.

 Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/5/2025.

7. Thông tư 02/2025/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn vị trí việc làm về công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

Theo đó, hướng dẫn vị trí việc làm về công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về công tác pháp chế được Bộ Tư pháp quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2025/TT-BTP như sau:

- Danh mục vị trí việc làm về công tác pháp chế thực hiện theo quy định tại Phụ lục II và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2022/TT-BNV hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

- Bản mô tả công việc và Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2025.

- Bản mô tả công việc và Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về pháp chế trong đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 02/2025.

Đối tượng áp dụng danh mục vị trí việc làm tại thông tư này gồm:

- Pháp chế viên cao cấp, pháp chế viên chính, pháp chế viên và chuyên viên về pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); chuyên viên chính về pháp chế, chuyên viên về pháp chế tại đơn vị sự nghiệp công lập;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Lưu ý:  Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về công tác pháp chế trong quân đội nhân dân, công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và pháp luật có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/5/2025

8. Thông tư 12/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị

Theo đó, Thông tư 12/2025/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điều 6 Thông tư 40/2017/TT-BTC về phụ cấp lưu trú như sau:

- Phụ cấp lưu trú là khoản tiền hỗ trợ thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chỉ trả, được tính từ ngày bắt đầu đi công tác đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị (bao gồm thời gian đi trên đường, thời gian lưu trú tại nơi đến công tác). Mức phụ cấp lưu trú để chỉ trả cho người đi công tác 300.000 đồng/ngày.

Trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày), thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chỉ: Số giờ thực tế đi công tác trong ngày (bao gồm cả thời gian đi trên đường), quãng đường đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú:

400.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo).

Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.

Sửa đổi quy định về thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác theo hình thức khoán và theo hóa đơn thực tế:

Thông tư 12/2025/TT-BTC sửa đổi bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 7 Thông tư 40/2017/TT-BTC về thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác như sau:

- Thanh toán theo hình thức khoán:

+ Cán bộ lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các cán bộ lãnh đạo được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó từ 1,25 trở lên: 1.600.000 đồng/ngày/người, không phân biệt nơi đến công tác;

+ Cán bộ lãnh đạo được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó từ 0,8 đến 1,20:

++ Đi công tác tại các thành phố trực thuộc trung ương: 800.000 đồng/ngày/người.

++ Đi công tác tại các tỉnh: 600.000 đồng/ngày/người.

+ Các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn lại:

++ Đi công tác tại các thành phố trực thuộc trung ương: 600.000 đồng/ngày/người.

++ Đi công tác tại các tỉnh: 500.000 đồng/ngày/người.

- Thanh toán theo hoá đơn thực tế:

Trong trường hợp người đi công tác không nhận thanh toán theo hình thức khoán thì được thanh toán theo giả thuê phòng thực tế (có hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật) do thủ trưởng cơ quan, đơn vị duyệt theo tiêu chuẩn thuê phòng như sau:

+ Cán bộ lãnh đạo cấp Bộ trưởng: 4.000.000 đồng/ngày/phỏng theo tiêu chuẩn một người/một phòng, không phân biệt nơi đến công tác;

+ Cán bộ lãnh đạo cấp Thứ trưởng và các cán bộ lãnh đạo được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó từ 1,25 đến 1,30:

++ Đi công tác tại các thành phố trực thuộc trung ương: 2.000.000 đồng/ngày/phỏng theo tiêu chuẩn một người/một phỏng.

++ Đi công tác tại các tỉnh: 1.800.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn một người/một phòng.

+ Cán bộ lãnh đạo được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó từ 0,8 đến 1,20:

++ Đi công tác tại các thành phố trực thuộc trung ương: 1.200.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn một người/ một phòng.

++ Đi công tác tại các tỉnh: 800.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn một người/một phỏng.

+ Các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn lại:

++ Đi công tác tại các thành phố trực thuộc trung ương: 1.400.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn hai người/một phòng.

++ Đi công tác tại các tỉnh: 1.100.000 đồng/ngày/phỏng theo tiêu chuẩn hai người/một phòng.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04/5/2025

 Tải file đính kèm 1            
Công chức Tư pháp - Hộ tịch

 Người đang truy cập: 88
 Tổng số truy cập: 2474535