Bệnh bạch hầu: Triệu chứng, biến chứng và cách phòng tránh
Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu tồn tại ở cả người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Khi một người bị nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Triệu chứng điển hình
Theo bác sĩ Tiến, thời gian ủ bệnh bạch hầu thường khoảng 2-3 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như đau họng, sốt, ho, khàn tiếng, chán ăn, xuất hiện giả mạc lan nhanh màu trắng ngà...
"Các triệu chứng của bạch hầu dễ nhầm lẫn với cảm cúm. Tuy nhiên ở người mắc bệnh cảm cúm sau hạ sốt có thể mặt mũi tươi tỉnh, còn người bệnh bạch hầu vừa nhiễm trùng, nhiễm độc nên mặt rất đừ. Do đó khi thấy đau viêm họng nhiều, đừ người, có giả mạc trắng nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám", bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Biến chứng của bệnh bạch hầu
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc bệnh bạch hầu có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và tử vong.
Tắc nghẽn đường hô hấp. Theo bác sĩ Tiến, vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng bám vào trong vòm họng, các lớp màng này lan ra nhân lên có thể gây lấp đường hô hấp, ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh.
Viêm cơ tim. Độc tố bạch hầu có thể ảnh hưởng đến tim, gây rối loạn nhịp tim, suy tim và có thể tử vong.
Tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt. Độc tố bạch hầu cũng có thể gây ra các biến chứng tê liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi.
Rối loạn chức năng bàng quang: Một biến chứng khác có thể xảy ra với bệnh nhân bạch hầu là các vấn đề về dây thần kinh kiểm soát bàng quang, khiến bệnh nhân gặp các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt, mất kiểm soát bàng quang…
Tê liệt cơ hoành. Với người bệnh bạch hầu, cơ hoành có thể bị tê liệt rất đột ngột, kéo dài hơn nửa giờ hoặc lâu hơn. Nếu cơ hoành tê liệt, ngừng hoạt động, người bệnh có nguy cơ tử vong.
Suy hô hấp, viêm phổi. Cơ hoành có vai trò quan trọng đối với hệ hô hấp, do đó nếu cơ hoành bị liệt hoàn toàn, triệu chứng khó thở sẽ biểu hiện thường xuyên hơn, thậm chí dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp.
Phòng bệnh bạch hầu như thế nào?
Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
"Hiện nay biện pháp hiệu quả để phòng bệnh bạch hầu là tiêm ngừa vắc xin. Do đó, trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe thường kỳ cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu để người dân chủ động tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo công tác vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Tổ chức tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.