ĐỀN ĐỨC HOÀNG – NƠI CHIÊM BÁI TÂM LINH
Tương truyền Đức Hoàng là người con của quê hương Kỳ Giang, là người có tướng mạo phi phàm, tài đức vẹn toàn, có nhiều công lao trong thời khai hoang lập địa tại vùng đất này. Thời ấy nơi đây là vùng rừng thiêng nước độc, nhiều loài thú dữ trú ngụ. Trong một đêm đi đánh cờ ở làng bên khi về đến nhà ông bị hổ phục kích vồ chết và tha đi mất. Sáng hôm sau khi không thấy ông về làng và phát hiện dấu tích quần nhau giữa hổ và người, dân chúng trong làng đã tri hô nhau đi tìm và phát hiện thi thể của ông bị hổ cắn chết và được mối đất vun lên thành một đống đất cao. Vùng đất đó nằm bên một con sông nhỏ nay là Đập Chùa (thôn Tân Khê, xã Kỳ Giang).
Tiếc thương và cảm mến tài đức, công trạng của ông nhân dân ở đây đã lập một ngôi đền tại nơi ông được hổ táng để thờ phụng ông và lâu dần đây trở thành điểm chiêm bái linh thiêng của nhân dân trong vùng và du khách gần xa.
Năm 1978 cơn đại hồng thủy đã làm vỡ đập Mạc Khê phá hủy toàn bộ làng mạc trong vùng cũng như hệ thống các điện thờ được nhân dân công đức xây dựng nơi đây. Sau vài năm ổn định lại cuộc sống nhân dân đã bàn bạc và quyết định đi dời phần mộ lên vùng Rú Trộp và lập đền thờ mới nơi đây. Từ đó đến nay, Đền được tôn tạo, xây dựng đẹp đẽ, khang trang hơn và trở thành địa điểm tâm linh để con cháu, bà con gần xa đến chiêm bái, thắp hương cầu nguyện.
Đền Đức Hoàng (mới) ngự lưng chừng núi thuộc đỉnh Rú Trộp thôn Tân Thắng, xã Kỳ Giang, cách mực nước biển chừng 200m, có thế lưng tựa vào núi mặt nhìn ra biển, phía trước đền là đập Mạc Khê có phong cảnh hữu tình, nên thơ là điểm quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái của huyện Kỳ Anh. Ở đây còn có đền thờ vọng đức mẹ và các đền thờ các vị nhân thần khác ở một số thôn trong xã tạo nên hệ thống các điểm thờ cúng, chiêm bái linh thiêng cho du khách.
Hàng năm ngày giổ của ngài (15/3 ÂL) và các ngày tết Nguyên Đán, tết Nguyên Tiêu, tết Trung Nguyên nhân dân trong và ngoài tỉnh về đây thắp hương chiêm bái.
Khi đến với đền Đức Hoàng du khách sẽ được ngắm phong cảnh thiên nhiên non nước, gửi gắm niềm tin vào các bậc thần linh và được hòa mình miền đất trù phú đáng sống cùng với những giá trị văn hóa tâm linh có sức hấp dẫn du lịch mạnh mẽ. Thời gian qua, số lượng lớn khách du lịch, bà con gần xa tới chiêm bái tại đây có xu hướng ngày càng đông; hoạt động du lịch tâm linh không chỉ gắn với tôn giáo mà biết kết hợp phát huy triết học phương đông, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc, các vị tiền bối có công với nước.
Công Đệ